Trung Quốc Quân đội làm kinh tế

Quân đội Trung Quốc có lịch sử lâu dài trong việc tham gia làm kinh tế. Điều này đã xuất hiện ngay từ buổi đầu của nền phong kiến Trung Quốc và vẫn tiếp tục kéo dài tới thời kỳ đương đại. Mối quan hệ giữa quân đội và các hoạt động kinh doanh nằm trong mối quan hệ tương tác lớn hơn và phức tạp hơn rất nhiều giữa một bên là thiết chế nhà nước và một bên là quân đội, giữa xu hướng chuyên nghiệp hoá và xu hướng thương mại hoá. Vai trò của quân đội là khác nhau trong từng thời điểm lịch sử cụ thể tương ứng với từng thể chế chính trị cụ thể.

Thời Phong kiến

Dười thời phong kiến, giới cầm quyền coi quân đội là công cụ để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và đảm bảo cho đất nước có được sự ổn định nhất định về mặt đối nội. Theo các nhà cầm quyền, quân đội phải có khả năng tự cung tự cấp. Trên thực tế, quân đội phong kiến Trung Quốc rất hiếm khi được nhà nước hỗ trợ hoàn toàn về mặt tài chính. Các cuộc chiến tranh liên miên, thiên tai địch hoạ, cũng như hệ thống thu thuế kém hiệu quả khiến cho quốc khố của Trung Quốc liên tục trong tình trạng thiếu hụt dẫn tới không thể nào gánh vác hết được hoạt động của quân đội, chưa kể tới việc chi dùng tiền thuế cho các hoạt động khác. Thêm vào đó, triết lý cai trị thông thường thời bấy giờ dựa trên nhận định rằng thuế thấp sẽ tốt hơn và là bằng chứng cho tấm lòng nhân từ của hoàng đế. Để giải quyết, các nhà cai trị Trung Quốc cho phép quân đội được quản lý nông nghiệp-ngành kinh tế then chốt thời đó. Đồng thời, khi thời bình, lực lượng quân đội sẽ trực tiếp tham gia sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, các hoàng đế cũng thu thuế từ hoạt động kinh tế của quân đội để tăng nguồn thu cho đất nước. Trong thời bình, quân đội là một lực lượng sản xuất để không trở thành gánh nặng cho quốc khố. Trong thời chiến, quân đội sẽ tham gia bảo vệ đất nước và sự cai trị của các hoàng đế. Đây là chính sách Ngụ binh ư nông xuyên suốt trong thời phong kiến ở Trung Hoa, thể hiện triết lý sử dụng quân đội của các vương triều phong kiến.

Thời kỳ Mao Trạch Đông

Từ năm 1927 đến 1950, quân đội Trung Quốc đã được cho phép tự cung cấp tài chính bằng cách điều hành các nhà máy và trang trại. Việc này tiếp tục kéo dài trong thời kỳ cầm quyền của Chủ tịch Mao Trạch Đông. Quan hệ giữa quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong thời kỳ của Mao Trạch Đông có thể được mô tả như một mối quan hệ cộng sinh. Các lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng cũng đồng thời là tướng lĩnh quân đội. Cả hai thiết chế này do đó có quan hệ mật thiết với nhau và không thể tách rời (quyền lực chính trị xuất phát từ nòng súng – theo lời của Mao). Vai trò của Mao Trạch Đông là cực kỳ quan trọng. Khái niệm tự cấp tự túc và quân đội làm kinh tế trở thành đặc trưng căn bản của bộ máy nhà nước-quân đội của Trung Quốc trước khi cải cách mở cửa. Vì nền kinh tế dân sự tại các khu vực này không đủ để hỗ trợ cho quân đội, tự cấp tự túc là chính sách cần thiết và hiển nhiên. Mao Trạch Đông đặc biệt ủng hộ các hoạt động sản xuất kinh tế của quân đội và luôn luôn quan tâm tới chính sách này trong suốt khoảng thời gian cầm quyền của mình. Mao cho rằng tự cung tự cấp không chỉ là cách thức giúp cho quân đội Trung Quốc tồn tại trong khoảng thời gian khó khăn, mà còn mang ý nghĩa chính trị khi quân đội không tạo ra quá nhiều gánh nặng cho người dân. Điều này trái ngược hoàn toàn với quân đội của Tưởng Giới Thạch vốn khét tiếng với các hoạt động cướp phá hay bóc lột cư dân địa phương. Ba chính sách tự cấp tự túc căn bản của quân đội Trung Quốc trong thời kỳ này bao gồm:

  1. Tịch thu vũ khí khí tài từ đối thủ, ở đây là quân đội của Tưởng Giới Thạch;
  2. Tận dụng nguồn lực từ đất đai, thu thuế cao đối với các chủ đất hay với thương dân tại các vùng kiểm soát
  3. Tự sản xuất, khi quân đội Trung Quốc được cho phép xây dựng nhà máy, bệnh viện và các xưởng sửa chữa quân trang quân dụng với số lượng ngày càng tăng.

Chiến tranh chống Nhật bùng nổ và nội chiến Quốc-Cộng sau đó khiến cho chính sách tự cấp tự túc được mở rộng hơn nữa do quân đội cần tài nguyên nhiều hơn cũng như Mao Trạch Đông không muốn đặt gánh nặng lên người dân. Từ năm 1938, quân đội Trung Quốc được phép mở rộng các hoạt động sản xuất bao gồm công nghiệp quân sự và chế tạo các mặt hàng tiêu dùng cần thiết cung cấp ngược lại cho phía dân sự. Các tổ hợp sản xuất quốc phòng thời điểm này chính là tiền thân của các tổ hợp kinh doanh quốc phòng sau này của Trung Quốc. Quân đội Trung Quốc trong khoảng thời gian này nắm gần như toàn bộ các hoạt động kinh tế tại các vùng kháng chiến. Sau khi Mao Trạch Đông chiến thắng vào năm 1949, quân đội Trung Quốc dần được chính quy hóa. Bước đầu tiên chính là chuyển dần dần các hoạt động kinh doanh không cần thiết cho chính phủ dân sự. Với việc sở hữu nhiều kinh nghiệm trong quản lý kinh tế và công nghiệp trong suốt khoảng thời gian trước đây khiến cho nhánh hậu cần của quân đội Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong việc tái thiết nền kinh tế quốc gia sau chiến tranh, đặc biệt trong việc phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm và mạng lưới cơ sở hạ tầng. Các đơn vị quân đội đã chuyển giao hệ thống đường sắt, thông tin liên lạc, sân bay và một số cơ sở hạ tầng khác. Binh lính cũng được điều động tham gia các dự án xây dựng. Quân đội cũng tham gia mạnh mẽ vào hoạt động ngoại thương, đặc biệt với Liên Xô.

Việc quân đội tham gia kinh tế tiếp tục được đẩy mạnh trong các thập kỷ tiếp theo khiến cho số lượng các nhà máy quốc phòng gia tăng chóng mặt. Tuy nhiên điều này cũng gây ra một số hệ luỵ căn bản:

  1. Hoạt động huấn luyện của quân đội bị gián đoạn khi khoảng 10% nhân lực của quân đội trong khoảng thời gian này bị điều chuyển sang các xí nghiệp hay sang các cơ sở sản xuất nông nghiệp, làm giảm đi khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội;
  2. Rất nhiều các cơ sở sản xuất, các mỏ do quân đội điều hành hoạt động kém hiệu quả và gây thất thoát lớn;
  3. Nhiều cơ sở sản xuất hay nông trường quân đội nằm trên đất do chính quyền địa phương quản lý và cũng thường xuyên né tránh các quy định của nhà nước trong một số lĩnh vực, gây ra rạn nứt nhất định trong mối quan hệ giữa quân đội và chính quyền dân sự.

Thời kỳ Đặng Tiểu Bình

Dưới thời Chủ tịch Đặng Tiểu Bình, quân đội Trung Quốc đứng trước câu hỏi lớn về việc có nên chỉ tập trung vào việc huấn luyện và chiến đấu hay không. Trong thời kỳ này, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình bắt đầu thực hiện chính sách mở cửa kinh tế Trung Quốc. “Bốn hiện đại hoá” được đưa ra như là chính sách cốt lõi để cải cách nền kinh tế cũng như đảm bảo ổn định xã hội, bao gồm: nông nghiệp; công nghiệp; khoa học và công nghệ; quốc phòng. Chiếm vai trò và ngân sách hết sức quan trọng trong hai thập kỷ trước, quốc phòng trong giai đoạn này chỉ đóng vai trò thứ yếu nhường chỗ cho các nhiệm vụ phát triển và mở cửa nền kinh tế. Đồng thời, ngân sách để phục vụ quân đội lúc đó phình ra do quá trình hiện đại hóa được đẩy mạnh. Năm 1984, Chủ tịch Đặng Tiểu Bình nói với các tướng lĩnh quân đội rằng họ nên sử dụng tài nguyên và cơ sở vật chất của quân đội để tăng sản xuất phục vụ dân sinh. Chủ tịch Đặng có một số lý do để thúc đẩy quân đội làm kinh tế:

  1. Trung Quốc không gặp phải bất cứ mối đe doạ xâm lăng trực tiếp nào từ Liên Xô hay Mỹ, do đó duy trì một ngân sách quốc phòng quá cao cho quân đội là không cần thiết. Nguồn lực cần được chuyển cho các nỗ lực hiện đại hoá và để bù đắp cho ngân sách sụt giảm, quân đội được phép tham gia vào kinh doanh một cách sâu rộng hơn.
  2. Truyền thống tự cấp tự túc của quân đội vẫn được nhấn mạnh.
  3. Quân đội cần phải thể hiện sự linh hoạt điểu chỉnh so với thời thế
  4. Khả năng quản lý được cải thiện
  5. Tạo việc làm cho những nhóm lợi ích phụ thuộc vào quân đội
  6. Quân nhân làm quen với kỹ năng quản lý dân sự
  7. Đặng Tiểu Bình cần sự ủng hộ của quân đội để ổn định tình hình nội bộ sau Cách mạng Văn hóa và sự kiện Thiên An Môn.

"Xả nước nuôi cá" là cách tiếp cận của Chủ tịch Đặng. Ba quy tắc cũng được nhấn mạnh:

  1. Quân đội được kỳ vọng sẽ tham gia lâu dài vào sản xuất và kinh doanh vì ngân sách dành cho lực lượng này sẽ có thể tiếp tục suy giảm;
  2. Định rõ vai trò và phân công lao động khi các đơn vị quân đội không được sử dụng quân nhân đang được biên chế hay tài nguyên quốc phòng quốc gia cho mục đích thương mại
  3. Chấp nhận phát triển và phân chia lợi ích không đồng đều giữa các đơn vị kinh tế quốc phòng.

Điều này đã mở cửa hoạt động cho quân đội. Chỉ trong vài năm, họ đã kinh doanh mọi thứ, từ giày dép, viễn thông, dược phẩm, môi giới chứng khoán đến tên lửa. 14 năm sau đó, trị giá các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc là khoảng 50 tỷ NDT (6 tỷ USD) với lợi nhuận hằng năm khoảng 600 triệu USD. Tổng số doanh nghiệp quân đội vào khoảng 20.000 trên cả nước. Điều này dẫn tới 2 hệ quả bao gồm: Quân đội góp phần vào tốc độ tăng trưởng GDP chóng mặt của Trung Quốc nhưng kèm theo đó là sự gia tăng của nạn tham nhũng. Hơn nữa, sự biến Thiên An Môn nổ ra năm 1989 khiến cho mọi nỗ lực nhằm ngăn chặn suy thoái đạo đức trong nội bộ các doanh nghiệp quân đội phải tạm dừng lại. Tham nhũng xuất phát từ hai nguyên nhân là Nhà nước trao cho quân đội quá nhiều đặc quyền, đặc lợi gây méo mó thị trường và việc quyền lực của quân đội không bị kiểm soát.

Thời kỳ Giang Trạch DânHồ Cẩm Đào

Đến năm 1998, Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân cho rằng việc các cơ quan nhà nước tham gia quá sâu vào kinh doanh chính là rào cản với cải tổ và quản lý. Quá trình phi thương mại hóa quân đội bắt đầu diễn ra. Điều này còn thể hiện sự đấu đá nội bộ trong giới cầm quyền của Trung Quốc khi Chủ tịch Giang Trạch Dân muốn gia tăng sự kiểm soát của mình đối với quân đội. Nhu cầu nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội xuất hiện sau khi giới chức Trung Quốc chứng kiến khả năng tác chiến của Quân đội Mỹ trong Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991. Trước năm 1998 đã có một số bước đi lẻ tẻ của bên dân sự nhằm từng bước lập lại trật tự trong các hoạt động kinh doanh của quân đội. Nguyên nhân xuất phát từ việc:

  1. Tình hình tham nhũng diễn ra trầm trọng, đặc biệt là sự phá sản của hai công ty dầu khí độc quyền nhà nước lớn do hoạt động buôn lậu dầu của quân đội.
  2. Quân đội không chịu nộp đủ thuế theo quy định
  3. Quá trình huấn luyện bị xao nhãng

Các cuộc điều tra buôn lậu và phạm pháp trong kinh doanh cho thấy, có sự tham gia quy mô lớn của quân đội. Vì thế, ông Giang ra lệnh tất cả lực lượng vũ trang phải rút khỏi việc kinh doanh ngay trong năm 1998.

Thời kỳ Tập Cận Bình

Tập Cận Bình lên lãnh đạo một lực lượng quân đội hiện đại hơn và chuyên nghiệp hơn nhiều so với trước đây, với một ngân sách quốc phòng dồi dào đến nỗi hoạt động kinh tế của quân đội gần như là không cần thiết. Gia tăng ngân sách quốc phòng đều đặn qua từng năm cũng là một biện pháp thoả hiệp giữa chính phủ dân sự và phe quân đội. Bên cạnh đó, quân đội Trung Quốc vẫn được phép giữ lại một số các công ty và cơ sở kinh doanh nhất định, chủ yếu có lợi ích trong các ngành như nông nghiệp, bệnh viện hay khách sạn nhà nghỉ. Đồng thời, do một quân đội hùng mạnh là một phần của "Giấc mộng Trung Hoa" nên Tập muốn tập trung nâng cao khả năng chiến đấu của quân đội. Đặc biệt, quá trình này được các tướng lĩnh quân đội ủng hộ.

Tháng 11 2015, Bộ Quốc phòng Trung Quốc tuyên bố các hoạt động không thiết yếu như bệnh viện và khách sạn quân đội phục vụ dân chúng sẽ bị dừng hoạt động. Tháng 5 2017, Quân ủy Trung ương Trung Quốc cũng thông báo sẽ chấm dứt mọi hoạt động kinh tế của quân đội, để tập trung vào việc bảo vệ đất nước. Việc này sẽ được chia làm 2 giai đoạn, hoàn thành cuối tháng 6 năm 2017 và cuối tháng 6/2018.[1] Các hoạt động này bao gồm khám chữa bệnh tại các bệnh viện quân đội; cho tư nhân thuê lại các nhà kho của quân đội; cho phép các đoàn ca múa nhạc của quân đội tham gia các hoạt động văn nghệ quần chúng có thu phí; thuê ngoài các công ty xây dựng quân đội hay việc cho phép sinh viên ngoài ngành được học tập tại các trường/viện của quân đội. Quá trình này đang diễn ra theo đúng như kế hoạch và hầu như không gặp phải bất kỳ cản trở nào do tầm ảnh hưởng của Tập là quá lớn, nhu cầu tập trung huấn luyện quân đội để đối phó với các thách thức mới và các tướng lĩnh ủng hộ tuyệt đối Tập. Bên cạnh đó, các quy định về kiểm toán trong quân đội cũng được đổi mới và thắt chặt hơn nhằm loại bỏ tham nhũng. Dự kiến cho tới năm 2018, những gì còn lại của cái gọi là “yếu tố kinh tế” của quân đội Trung Quốc sẽ bao gồm các hoạt động tăng gia sản xuất tự cấp tự túc của các đơn vị quân đội. Dĩ nhiên các sản phẩm này sẽ không được bán ra ngoài thị trường. Ngoài ra, một số dịch vụ được đánh giá là “quan trọng đối với an ninh quốc gia” yêu cầu phải có sự tham gia của quân đội sẽ được điều hành bởi một ban điều hành hỗn hợp dân sự/quân sự và được kiểm soát chặt chẽ bởi các cục có liên quan. Lợi nhuận từ các dịch vụ này nếu có sẽ nộp ngân sách nhà nước. Ngân sách quốc phòng được rót xuống chủ yếu phục vụ mua sắm vũ khí/khí tài, trả lương, bảo hành/bảo dưỡng và cho nghiên cứu và phát triển vốn sẽ được quân đội ký hợp đồng thuê ngoài từ các công ty dân sự.[7]

Liên quan

Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Hải quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân chủng Phòng không – Không quân, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 1, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 2, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 7, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc Quân khu 5, Quân đội nhân dân Việt Nam Quân khu 9, Quân đội nhân dân Việt Nam Quần đảo Trường Sa

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Quân đội làm kinh tế http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-40524636 http://www.midanmasr.com/en/article.aspx?ArticleID... http://www.zeit.de/wirtschaft/2013-07/aegypten-arm... http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/qua... http://www.aei.org/publication/french-hard-power-l... http://nghiencuuquocte.org/2017/07/13/qua-trinh-tu... http://baotintuc.vn/xa-hoi/quan-doi-thuc-hien-tot-... http://cafef.vn/bo-truong-quoc-phong-giai-the-doan... http://cafef.vn/bo-truong-quoc-phong-ngo-xuan-lich... http://cafef.vn/quan-doi-lam-kinh-te-duoi-goc-nhin...